KTS Nguyễn Tuấn Ngọc chia sẻ trong diễn đàn Kiến trúc với Doanh nghiệp

2020-10-14 07:10:22

"Nếu đặt yếu tố người sử dụng tại vị trí trung tâm, tôi nghĩ tự bản thân KTS và Doanh nghiệp đã có nhiều tiếng nói chung, DN muốn kinh doanh tốt cần làm hài lòng khách hàng – chính là những người sử dụng, đặc biệt với những Doanh nghiệp lớn có thương hiệu – uy tín, thì sự hài lòng của khách hàng phải được nhìn nhận và đánh giá trong một thời gian dài, chính vì vậy những giá trị định hướng, kiến tạo, tầm nhìn ngay từ khi thiết kế đã cần phải quan tâm và tính toán kỹ lưỡng để vừa thỏa mãn được thị hiếu hiện tại nhưng vẫn phải đảm bảo phù hợp với xu hướng phát triển trong tương lai."

Ngày 25/9/2020 đã diễn ra Diễn đàn Kiến trúc với Doanh nghiệp trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu Hội Kiến trúc sư Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2020- 2025.

Tham gia với vai trò khách mời, anh Nguyễn Tuấn Ngọc - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP INNO đã có những chia sẻ về việc đi tìm tiếng nói chung giữa Tư vấn thiết kế với Doanh nghiệp và một số kiến nghị để tăng cường hiểu biết hơn nữa giữa hai bên, đồng thời đề xuất vai trò của Hội KTSVN đối với các bên liên quan và Cơ quan quản lý.

 

 

Sau đây là những chia sẻ của anh:

1. Triết lý thiết kế kiến trúc/Quy hoạch của anh là gì?

Thiết kế kiến trúc với tôi là sự định hướng và kiến tạo các giá trị cho công trình dựa trên việc cân bằng các yếu tố ảnh hưởng tới công trình, trong đó tùy từng tính chất công trình, Kiến trúc sư sẽ có phương án đánh giá thứ tự và mức độ ưu tiên của từng yếu tố có ảnh hưởng tới thiết kế. Nhưng với tôi trong mọi trường hợp, yếu tố người sử dụng luôn nằm tại vị trí trung tâm và được ưu tiên nhất.

 

KTS Nguyễn Tuấn Ngọc - Phó CT HĐQT công ty CP INNO

 

2. Làm thế nào để có tiếng nói chung/thuyết phục được Doanh nghiệp?

Nếu đặt yếu tố người sử dụng tại vị trí trung tâm, tôi nghĩ tự bản thân KTS và Doanh nghiệp đã có nhiều tiếng nói chung, DN muốn kinh doanh tốt cần làm hài lòng khách hàng – chính là những người sử dụng, đặc biệt với những Doanh nghiệp lớn có thương hiệu – uy tín, thì sự hài lòng của khách hàng phải được nhìn nhận và đánh giá trong một thời gian dài, chính vì vậy những giá trị định hướng, kiến tạo, tầm nhìn ngay từ khi thiết kế đã cần phải quan tâm và tính toán kỹ lưỡng để vừa thỏa mãn được thị hiếu hiện tại nhưng vẫn phải đảm bảo phù hợp với xu hướng phát triển trong tương lai.

Tuy vậy mâu thuẫn luôn xảy ra khi sự hiểu biết và góc nhìn của các bên khác nhau. Cá nhân tôi cho rằng nếu vì mục tiêu chung thì người thiết kế và Doanh nghiệp sẽ phải thuyết phục lẫn nhau chứ không phải chỉ có thiết kế thuyết phục doanh nghiệp, tôi tin rằng những gì hợp lý sẽ có tính thuyết phục hơn. Tất nhiên thực tế làm nghề không tránh khỏi việc người thiết kế chưa thực sự hiểu hết các vấn đề để đưa ra được các ý kiến tư vấn phù hợp và Doanh nghiệp đôi khi quá coi trọng lợi nhuận mà quên đi các giá trị khác cũng cần được tôn trọng. Nếu không có sự đồng cảm từ cả hai bên và hai bên không thuyết phục được nhau thì tôi nghĩ rằng sẽ khó dẫn đến sự hợp tác giữa hai bên.

 

 

3. Anh đã có bao nhiêu dự án thiết kế thành công?

Theo tôi sự thành công có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Với chủ đầu tư, thành công được hiểu là sự tín nhiệm và tiếp tục được giao thực hiện các công việc tiếp theo. INNO phát triển trong 5 năm từ 30 cán bộ lên 300 cán bộ cùng 200 cán bộ khác tại các công ty liên kết nhờ sự tín nhiệm của các khách hàng thông qua việc đã tham gia thiết kế hàng trăm dự án cũng có thể coi là thành công. Tuy vậy với các hội nghề nghiệp, tiêu chí thành công đòi hỏi những yếu tố khác. Cá nhân tôi cũng có dành được một số giải trong việc thi tuyển, tuyển chọn phương án kiến trúc do hội đồng chuyên môn đánh giá lựa chọn nhưng rất ít trong số đó được tiến hành xây dựng trên thực tế. Có 1 dự án được xây dựng và đạt Giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2015: Dự án Nhà Văn hóa Caysone Phomvihane – Tỉnh Savanakhet – Lào 

Với cá nhân, tôi chỉ mới cảm thấy hài lòng vì mình đã luôn cố gắng hết khả năng nhưng cảm thấy thành công thì chưa, trong mọi dự án tôi luôn thấy mình có thể làm tốt hơn.

4. Khoảng cách giữa Doanh nghiệp và Kiến trúc sư, theo anh?

Tôi cho rằng khoảng cách giữa DN và KTS nếu xét trên mặt bằng chung hiện nay là khá lớn nhưng đang theo hướng 1 chiều – tức là Doanh nghiệp hiểu về KTS rõ hơn khá nhiều việc KTS hiểu về doanh nghiệp.

5. Từ ý tưởng đến thực thi anh có gặp khó khăn?

Tôi không thấy quá khó khăn trong việc này, với tôi ý tưởng tốt là ý tưởng có tính khả thi cao.

6. Cần có giải pháp nào để khắc phục không?

Tôi nghĩ rằng KTS ngoài các kiến thức về thiết kế, hiểu biết về xu thế, xu hướng của kiến trúc thế giới cần trang bị thêm cho mình các kiến thức về mối liên hệ giữa chi phí và phương án thiết kế, kiến thức về thi công, công nghệ thi công, các kiến thức về yếu tố thị hiếu, thị trường để từ đó đưa ra các phương án thiết kế, định hướng có tính thuyết phục hơn.

7. Trong điều kiện có luật kiến trúc, làm thế nào để vai trò của Hội KTSVN có thể thúc đẩy và thắt chặt quan hệ có hiệu quả giữa DN và giới hành nghề? Anh có thể gợi mở/hiến kế về vấn đề này?

Theo tôi Hội KTSVN nên tổ chức các buổi trao đổi, thảo luận, tọa đàm giữa Kiến trúc sư, Doanh nghiệp, Hội KTS để các bên hiểu nhau hơn. KTS thông qua hoạt động này để hiểu DN quan tâm đến những vấn đề gì; DN được trao đổi giao lưu với giới nghề để có thể tiếp nhận các thông tin về hình thái, xu hướng, xu thế tiên tiến trên thế giới, các sản phẩm đã thành công tại các quốc gia khác để có thể tìm kiếm các ý tưởng đầu tư, áp dụng vào các sản phẩm của mình; Hội KTS hiểu được các khó khăn của KTS trong quá trình hành nghề, khó khăn của CĐT trong quá trình thực hiện dự án để từ đó có các tổng hợp, kiến nghị hướng giải quyết các bất cập đó gửi tới các cơ quan quản lý liên quan.

Bên cạnh đó, theo tôi, Hội KTSVN cũng cần có những nhìn nhận, đánh giá và tôn vinh nhiều hơn nữa đối với các sản phẩm BĐS thị trường của CĐT, KTS vì thực tế cho thấy nhiều sản phẩm thành công của CĐT, được sự hài lòng của người sử dụng nhưng không nhận được đánh giá và ghi nhận từ Hội KTS vì trong các sản phẩm đó, những vấn đề được giải quyết mang tính tổng hợp hơn rất nhiều yếu tố thiết kế kiến trúc, có thể là một hệ thống giải thưởng khác với các tiêu chí khác so với Giải thưởng kiến trúc quốc gia.

 

 

8. Giải pháp nào để các mô hình đào tạo KTS phù hợp thực tiễn, thưa anh?

Tôi cho rằng giải pháp để mô hình đào tạo KTS phù hợp là ngay từ khâu đào tạo trong trường, nhà trường nên dành một thời lượng nhất định để phối hợp với DN hay các công ty thiết kế để có thể đưa sinh viên tham gia sớm vào các dự án thực tế, giúp họ có sự liên hệ về các kiến thức được học với 1 sản phẩm thực tế, hiểu được các vấn đề CĐT quan tâm.