ỨNG DỤNG BIM TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHI PHÍ ĐỐI VỚI DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

2019-06-18 05:09:16

Nếu như trước đây đối với các dự án chưa thực hiện BIM việc bóc khối lượng dựa trên tính toán từ bản vẽ 2D và quá trình này thường mất khá nhiều thời gian, sau khi có Dự toán chi tiết, lại phải thêm giai đoạn thẩm tra Dự toán để kiểm tra việc bóc khối lượng đã chính xác chưa và quá trình trao đổi để tìm con số chung thường kéo dài mà kết quả thường xuyên có sự khác biệt giữa các bên. Hiện tại INNO đã và đang thực hiện thiết kế rất nhiều dự án áp dụng quy trình BIM và việc xuất khối lượng từ mô hình BIM không còn là điều gì mới mẻ tuy nhiên để xuất được khối lượng phù hợp với định dạng của Dự toán lại là cả một quá trình nghiên cứu tỉ mỉ. 

Ngày 12/6/2019 Công ty Cổ phần INNO đã tiếp đón đoàn công tác của Ban chỉ đạo BIM – Bộ xây dựng và các Chuyên gia cao cấp về quản lý chi phí của Hoa kỳ tới thăm và làm việc tại Văn phòng Công ty. Hai bên đã trao đổi các kinh nghiệm về việc ứng dụng BIM trong công tác lập dự toán, công tác quản lý chi phí đối với từng giai đoạn từ chuẩn bị đầu tư dự án đến giai đoạn thiết kế thi công.

Thành phần tham gia phía đoàn công tác ban chỉ đạo BIM và các chuyên gia cao cấp của Hoa kỳ:
- Mrs Marcene Taylor, Chủ tịch Hiệp hội kỹ sư định giá Hoa Kỳ (ASPE)
- Mr Paul Martin, Giáo sư – Đại học California, Davis; Giám đốc dự án cao cấp, XL Construction
- Mr Hung Nguyen, Giám đốc VDC Cao cấp, Herrero Builders; Giảng viên trường Đại học California, Berkeley
- Mr Trần Hồng Mai, Chủ tịch Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam
- Mr Nguyễn Thế Anh, Tổng thư ký Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam
- Mr Đinh Mạnh Hùng, Phó Chánh văn phòng Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam
- Mr Tạ Ngọc Bình, Tổ phó Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo BIM

Thành phần tham gia phía Công ty CP INNO:
- Mr Nguyễn Tuấn Ngọc – Phó CT HĐQT 
- Mr Nguyễn Khắc Tâm – Phó CT HĐQT 
- Mrs Lê Thị Thanh Bình – Trưởng phòng kinh tế dự toán
- Mr Nguyễn Anh Đức – Trưởng phòng BIM1
- Mr Vũ Bá Duy – Trưởng phòng BIM2
- Mr Đỗ Hoàng Anh – Trưởng phòng BIM – MEP

 

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi phân tích về công tác lập dự toán tại Việt Nam dựa trên Định mức dự toán và các hệ phân loại đang áp dụng trên thế giới hiện nay như: Uniformat, Masterformat, Uniclass, Omniclass.

Đối với cách làm thông thường trước đây, khi Chủ đầu tư đưa yêu cầu về việc thiết kế phương án, các Kiến trúc sư thường tập trung vào việc thiết kế một đồ án chỉ giải quyết các vấn đề về kiến trúc với một con số khái toán Tổng mức đầu tư có mức độ chính xác thấp, sau khi Chủ đầu tư phê duyệt phương án thiết kế sẽ triển khai các bước tiếp theo và tiến hành lập dự toán chi tiết. Sau khi có dự toán chi tiết cả đơn vị tư vấn thiết kế và Chủ đầu tư mới nhận thấy sự không phù hợp với mực tiêu đầu tư ban đầu, khi đó sẽ lại phải quay lại sửa phương án thiết kế. Quá trình này gây mất khá nhiều thời gian và chi phí cho các bên tham gia. Chính vì vậy, việc kiểm soát và quản lý chi phí ngay từ những bước đầu tiên để giữ cho ý tưởng thiết kế phương án không bị quá xa rời mục tiêu đầu tư là hết sức quan trọng.

Mrs Marcene Taylor đã chia sẻ kinh nghiệm bản thân trong việc sử dụng hệ Uniformat đối với việc phân loại các thành phần chi phí cấu thành nên tổng mức đầu tư, kết hợp với các hệ số kiểm tra tính chất công trình tương đương, suất vốn đầu tư của từng thành phần cấu thành chi phí dựa trên nền tảng các dữ liệu công trình thực tế mà bà đã tích lũy và xây dựng được trong nhiều năm làm công việc định giá xây dựng tại Hoa Kỳ. Bằng cách làm này, mức đầu tư một dự án được dự báo ngay từ giai đoạn lập dự án với độ chính xác rất cao, trong quá trình thiết kế những biến động trong các thành phần cấu thành chi phí được quản lý, kiểm soát một cách khoa học để người thiết kế, chủ đầu tư có thể dễ dàng điều chỉnh cơ cấu các thành phần cấu thành chi phí để kiểm soát tổng mức đầu tư đã xác định ban đầu.

 

 

Thay mặt nhóm nghiên cứu ứng dụng Bim đối với công tác bóc khối lượng của INNO, Mr Nguyễn Tuấn Ngọc cũng chia sẻ các nghiên cứu đã được áp dụng vào thực tế triển khai các dự án của công ty. Nếu như trước đây đối với các dự án chưa thực hiện BIM việc bóc khối lượng dựa trên tính toán từ bản vẽ 2D và quá trình này thường mất khá nhiều thời gian, sau khi có Dự toán chi tiết, lại phải thêm giai đoạn thẩm tra Dự toán để kiểm tra việc bóc khối lượng đã chính xác chưa và quá trình trao đổi để tìm con số chung thường kéo dài mà kết quả thường xuyên có sự khác biệt giữa các bên. Hiện tại INNO đã và đang thực hiện thiết kế rất nhiều dự án áp dụng quy trình BIM và việc xuất khối lượng từ mô hình BIM không còn là điều gì mới mẻ tuy nhiên để xuất được khối lượng phù hợp với định dạng của Dự toán lại là cả một quá trình nghiên cứu tỉ mỉ. Để thực hiện điều này, INNO đã phải nghiên nghiên cứu giải pháp khắc phục các yếu điểm của phần mềm Revit (Revit chưa hỗ trợ đủ tốt để có thể thực hiện được một số việc đòi hỏi mức độ chi tiết cao), nghiên cứu biên soạn, “Việt Nam hóa” lại hệ thống phân loại Masterformat, cấu trúc lại mô hình BIM để đáp ứng được các yêu cầu phân loại,…vv

 

 

Kết thúc buổi làm việc INNO đã kiến nghị một số định hướng về việc ứng dụng BIM trong công tác Dự toán đồng thời cũng kiến nghị đề xuất Ban chỉ đạo BIM-Bộ xây dựng và các chuyên gia cao cấp của Hoa kỳ hỗ trợ chia sẻ các thông tin cũng như kinh nghiệm thực hiện tại Mỹ và các bên đã vui vẻ chấp thuận. Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều hoat động giao lưu mở rộng hơn nữa để INNO cũng như các công ty tư vấn tại Việt Nam có thể học hỏi thêm các kinh nghiệm áp dụng BIM trong thiết kế nói chung, trong việc kiểm soát chi phí đầu tư nói riêng ở các nước tiên tiến.