Vinpearl Nam Hội An, con thuyền kết nối quá khứ và tương lai

2018-05-21 09:27:53

Là một tổ hợp vui chơi-giải trí-nghỉ dưỡng hiện đại đa dạng bậc nhất hiện nay, Vinpearl Hội An đã đóng góp vô cùng lớn cho du lịch Hội An – Quảng Nam. Ngoài sự đa dạng trong các tiện ích vui chơi giải trí, Vinpearl Nam Hội An còn kế thừa từ thành phố cổ Hội An một trung tâm văn hóa – kiến trúc – lối sống sâu sắc.

Là một tổ hợp vui chơi-giải trí-nghỉ dưỡng hiện đại đa dạng bậc nhất hiện nay, Vinpearl Hội An đã đóng góp vô cùng lớn cho du lịch Hội An – Quảng Nam. Ngoài sự đa dạng trong các tiện ích vui chơi giải trí, Vinpearl Nam Hội An còn kế thừa từ thành phố cổ Hội An một trung tâm văn hóa – kiến trúc – lối sống sâu sắc. Thông qua trình tuyển chọn kỹ lưỡng các phương án thiết kế từ nhiều văn phòng kiến trúc tham gia. Cuối cùng, phương án được chọn từ văn phòng thiết kế INNO JSC, đã định hình tuyến phố cổ ven sông như là không gian giao thoa văn hóa – kiến trúc của Đông – Tây với điểm nhấn là quần thể kiến trúc khu quảng trường đón.

 

INNO JSC đưa ra các khái niệm chung cho tổng thể dự án, dựa trên sự kế thừa văn hóa – kiến trúc khu vực và phát triển theo định hướng kiến trúc bền vững. Toàn bộ công trình kiến trúc trải dài theo tuyến sông trung tâm đều mang dấu ấn riêng, có quá khứ, có lịch sử, đã góp phần kể nên câu chuyện về quá trình hình thành và phát triển của thành phố cổ Hội An.

Khởi đầu câu chuyên, khi ngược dòng thời gian hơn 1000 năm về trước, Hội An vốn là một hải cảng trong vùng đất người Champa. Tiếp nối thời kỳ đó, người Đại Việt, người Nhật, người Hoa đã đến định cư và phát triển nơi đây thành một hải cảng sầm uất, nơi giao thương với các vùng đất trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Châu Ấn… Với mong muốn tái hiện lại hải cảng Hội an phồn thịnh xưa, kiến trúc sư đã tạo nên nên một quần thể công trình lấy hình tượng như đoàn thuyền hội tụ, toàn bộ quảng trường lát gạch tạo hình sóng như một mặt nước khổng lồ, nơi neo đậu của những con thuyền lớn từ bốn phương. Tổ hợp gồm 12 thuyền, được chia thành ba cụm chính. Cụm Cổng chính gồm 4 thuyền với các chức năng bán vé, gửi đồ, vệ sinh. Hai cụm thuyền đối xứng qua quảng trường trung tâm là hai nhà hàng chính với hai phong cách nội thất đối lập.

 

Những chiếc thuyền vốn là các công trình có công năng sử dụng, các kiến trúc sư đã phối hợp với kỹ sư kết cấu, để nghiên cứu một hệ bao che rỗng, nhiều lớp, mô phỏng theo cấu trúc lam rỗng của đèn lồng, vừa giúp tạo không gian mở cho công trình từ bên trong, vừa biến công trình như những chiếc đèn lồng hình thuyền khổng lồ, một tạo vật đã gắn với lối sống lâu đời của người dân Hội An.

 

Điểm mấu chố của thiết kế là tạo hình cong nhiều chiều của khối thuyền, với nhiều lớp cấu tạo khác khác nhau. Kiến trúc sư đã phải nghiên cứu hàng trăm loại vật liệu để có thể lựa chọn được những vật liệu phù hợp nhất. Từ đó hình thành 2 lớp vỏ chính. Mô phỏng chính xác các lớp cấu tạo của một chiếc đèn lồng truyền thống: lớp khung đan tre, lớp màn chắn giấy hoặc lụa.

Lớp vỏ ngoài cùng là hệ lam gỗ, thưa dần về đỉnh thuyền, tạo nên hiệu ứng thị giác vô cùng sinh động. Toàn bộ hệ chịu lực của lớp vỏ là một khung thép ống, dạng giàn không gian, được tính toán chính xác bằng các phần mềm chuyên dụng thông qua các mô hình 3d dạng lưới.

 

Lớp vỏ thứ hai là lớp bê tông đặc, đóng vai trò như lớp màn hứng của đèn lồng, đây là lớp bao che chính của công trình. Để tạo nên bề mặt cong nhiều chiều, nhiều hệ lưới thép với độ thưa khác nhau, được liên kết lên một lớp tôn mỏng, cố định trên khung chịu lực chính; bê tông được phun trực tiếp lên hệ giàn này, tạo thành một lớp bê tông cốt thép nhẹ. Những người thợ sau đó phải hoàn thiện bề mặt một cách thủ công, toàn bộ quá trình này đã tạo nên một lớp vỏ bọc dang như gốm, thô mộc, thân thiện, gợi nhớ đến các sản phầm của làng gốm Thanh Hà, một làng gốm nổi tiếng nơi đây. Màu đỏ được chọn để hoàn thiện các khối thuyền, đây cũng là màu cơ bản nhất của đèn lồng, màu luôn mang đến không khí vui tươi, rực rỡ cho các lễ hội.

 

Mặt trong lớp vỏ thứ hai đóng vai trò quan trọng trong thiết kế nội thất, là một hệ vách thạch cao được uốn cong theo hệ khung của khối thuyền. Việc tạo nên một khối cong 3 chiều khiến các lớp hoàn thiện đều trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng và khả năng phối hợp phức tạp hơn giữa các bộ môn tham gia.

Để đảm bảo sự đa dang, tính nhịp điệu, mỗi khối thuyền có một kích thước tỷ lệ riêng, có module cột buồm với độ cao khác nhau, được sắp xếp có chủ ý. Hiệu ứng đặc – rỗng cũng được khai thác triệt để thông qua hai lớp vỏ bao che, qua đó tạo ấn tượng cảm quan thị giác tốt nhất.

Trải qua nhiều thế kỷ giao thương buôn bán cởi mở, được kết tinh qua nhiều thời đại, Hội An mang trong mình giá trị văn hóa-kiến trúc đa dạng. Thế kỷ 16-17, kiến trúc phản ánh ảnh hưởng của người Nhật với sự hình thành phố người Nhật ở Hội An. Cuối thế Kỷ 17-18, người Hoa đến đinh cư với đặc trưng kiến trúc thể hiện ở các hội quán, miếu thờ. Đến cuối thế kỷ 19 -20, những căn nhà pháp hòa mình vào phố cổ Hội An, trở thành một phần của Hội An.

 

Ở Hội An, nền kiến trúc được tích lũy tiếp nối theo từng thời kỳ, tạo nên sự đa dạng phong phú. Để tạo nên một tuyến phố cổ sinh động, minh họa sâu sắc tinh thần – lối sống phố cổ Hội An, nhưng không bị sao chép, cóp nhặt; các kiến trúc sư đã nghiên cứu chi tiết đặc trưng kiến trúc, từ đó, đưa ra 6 module điển hình, đại diện cho từng thời kỳ. Các module được sắp xêp gần như ngẫu nhiên, tạo sự nhấp nhô cho toàn tuyến phố.

 

Phố cổ ven sông như một bức tranh mộc mạc, giản dị và nên thơ, ngoài kiến trúc, cảnh quan cũng góp phần quan trọng tao nên sự sinh động cho tuyến phố. Các loại cây phổ biến ở Hội An như Muồng Hoàng Yến, Hoa Giấy… cùng các sàn phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ đặc trưng của khu vực; được sắp đặt, phối hợp tạo nên sức sống cho cả tuyến phố. 

 

INNO JSC cuối cùng đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong việc gửi gắm quá khứ và những giá trị cốt lõi của khu vực vào công trình, thông qua đó gợi nhớ và lưu truyền lịch sử phồn thịnh của vùng đất nơi đây và khẳng định giá trị bền vững trong thiết kế của mình.

Album ảnh